Accueil > Événements des partenaires (vi) > « L’évolution des médias et du métier de journaliste » de Christine Ockrent (...)

« L’évolution des médias et du métier de journaliste » de Christine Ockrent (vi)

Hội thảo
Sự tiến triển của phương tiện thông tin đại chúng
và nghề làm báo

Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – l’Espace trân trọng kính mời Quý vị đến tham dự buổi thảo luận về Sự tiến triển của phương tiện thông tin đại chúng và nghề làm báo, với sự tham gia của diễn giả - nhà báo Christine Ockrent, dưới sự dẫn dắt của nhà báo Trần Ngọc Bích, Đài Truyền Hình Việt Nam.

Chương trình diễn ra vào :
Thứ hai ngày 27/03/2017 lúc 18h
Địa điểm : Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp
24 Tràng Tiền, Hà Nội
Sự kiện sẽ được dịch song song Pháp – Việt

Giới thiệu diễn giả :
Christine Ockrent sinh năm 1944 vừa là nhà báo vừa là nhà văn. Là người phụ nữ đầu tiên giới thiệu các bản tin truyền hình Pháp trên kênh Atenne 2 vào năm 1981, « Nữ hoàng Christine » nhanh chóng trở thành nhân vật quan trọng trong giới truyền thông Pháp và là người phụ nữ tiên phong trong phong trào nữ hóa giới truyền thông. Ngay vào năm 1985, bà đã nhận được giải thưởng 7 d’or cho phát thanh viên xuất sắc nhất. Trong suốt sự nghiệp của mình, với sự chuyên nghiệp, lòng dũng cảm và tính kiên định, bà đã đảm nhiệm những vị trí quan trọng hàng đầu trong nhiều cơ quan truyền thông tại Pháp như RTL, TF1 và cả L’Express. Từ năm 2008 đến năm 2011, bà điều hành Tập đoàn Nghe nhìn quốc tế của Pháp (nay là tập đoàn truyền thông France Médias Monde). Bà cũng từng là tổng giám đốc của France 24 và là tổng giám đốc đặc trách của RFI. Bà đã dẫn dắt, tiếp tục dẫn dắt và tham gia nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng có uy tín và chất lượng như Duel sur la 3 và Affaires étrangères (Ngoại giao).
Là biểu tượng cho phong trào giải phóng phụ nữ và là người viết cuốn tiểu sử Hillary Clinton, Christine Ockrent đã xuất bản nhiều tác phẩm trong lĩnh vực này. Cuốn sách Livre noir de la condition féminine (2016) (tạm dịch : Góc khuất về thân phận phụ nữ) do bà chỉ đạo xuất bản, đã đem lại giá trị nhân văn lớn lao, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc Christine Ockrent được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh hạng nhì. Trong phần giới thiệu cuốn sách, bà đã tóm tắt quan điểm của mình về giải phóng phụ nữ : « Cứ mỗi lần chúng tôi thúc đẩy quyền của phụ nữ, nhân loại lại tiến thêm một bước hướng tới một thế giới công bằng hơn ». Trong cuốn Ces femmes qui nous gouvernent (2008) (tạm dịch « Những người phụ nữ nắm quyền »), bà đã khắc họa chân dung của những người phụ nữ mang sứ mệnh đặc biệt. Năm 2011, bà đã chung tay kí Đơn khiếu nại 343 lần hai « Bình đẳng ngay bây giờ », đòi thừa nhận nữ quyền.

Giới thiệu hội thảo :

Chỉ trong vòng 30 năm, ba lĩnh vực lớn của ngành truyền thông : truyền hình, đài phát thanh và báo giấy, đã trải qua một sự chuyển biến chưa từng có.
Tại Pháp, nơi mà Nhà nước đóng vai trò quản lý nhưng không kiểm soát về mặt chính trị, những sự xáo trộn này đã gây sức ép lên ngành liên tục thay đổi, ngày càng phụ thuộc vào những ràng buộc kinh tế, nhất là lĩnh vực báo giấy.
Nhân tố đầu tiên dẫn đến sự thay đổi chính là công nghệ và sự chi phối toàn diện của nó đối với cách thức sản xuất và phân phối, dù liên quan đến lĩnh vực nào. Những hệ quả chủ yếu là : tốc độ phát triển không ngừng, được điều chỉnh với nhịp độ phát triển của điện tử, sự hội tụ về một phương tiện truyền thông đa năng của các cách thức biểu đạt, kết hợp văn bản, âm thanh và hình ảnh.
Hiện tượng cuối cùng và gần đây nhất, với những tác động hầu như đang bắt đầu được cân nhắc : sự lan tràn của mạng xã hội, đến lượt mình mạng xã hội làm thay đổi mối liên hệ giữa truyền thông và cá nhân - mỗi cá nhân đều có khả năng nắm trong tay ba chức năng : là nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu thụ. Hãy nhìn vào ví dụ điển hình tại Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, đó chính là những ảnh hưởng đầu tiên của cuộc cách mạng này.
Tại buổi hội thảo, nhà báo Christine Ockrent - nổi tiếng là một trong những nhà báo đương đại lớn nhất của Pháp sẽ trò chuyện cùng chúng ta về sự tiến triển của nghề làm báo qua bốn phần : những nhân tố thay đổi chủ yếu tác động tới tất cả các phương tiện truyền thông ; những điểm khác biệt giữa các ngành truyền hình, đài phát thanh và báo giấy ; cuộc cách mạng mang tên mạng xã hội ; bối cảnh văn hóa của hội nhập toàn cầu.